Thị Trường Và Tiêu Chuẩn Xuất Khẩu Gạo Sang Châu Âu

Table of Contents

1. Tiêu chuẩn xuất khẩu gạo sang Châu Âu 

Để “hạt gạo làng ta” có thể tự tin bước vào thị trường châu Âu, các doanh nghiệp cần nắm rõ một số yêu cầu tại thị trường khó tính bậc nhất thế giới này. Điều này bao gồm các tiêu chuẩn bắt buộc và tiêu chuẩn bổ sung (thay đổi tùy theo yêu cầu của từng nhà nhập khẩu cho từng thị trường khác nhau ở mỗi quốc gia thành viên). 

1.1.  An toàn thực phẩm: truy xuất nguồn gốc, vệ sinh và kiểm soát chất lượng

Yêu cầu quan trọng nhất đối với gạo là đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Đây là hai tiêu chuẩn được quy định chặt chẽ trong luật thực phẩm châu Âu. Trong đó, nhà xuất khẩu gạo cần tuân thủ các nguyên tắc Phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP).

Cụ thể, để đảm bảo gạo Việt Nam thuận lợi nhập khẩu vào thị trường châu Âu, doanh nghiệp cần kiểm tra nồng độ thuốc trừ sâu, chất gây ô nhiễm và vi sinh vật. Điển hình là năm 2016, khi phát hiện các vấn đề liên quan ô nhiễm thạch tín (asen), Liên minh Châu Âu (EU) đã thắt chặt hơn các quy định về hàm hượng asen trong gạo (xem Bảng 1).

Hộp gạo được bán tại Châu Âu

Ngoài ra, Châu Âu cũng là một trong những thị trường quy định nghiêm ngặt nhất về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Dư lượng không được vượt quá Mức Dư lượng Tối đa (MRLs) được phép theo quy định của Châu Âu. Trong vài năm qua, giới hạn dư lượng một số hóa chất đối với gạo đã được giảm xuống, chẳng hạn như Tricyclazole từ 1 mg / kg giảm xuống còn 0,01 mg / kg vào năm 2017 và Buprofezin từ 0,5 mg / kg xuống 0,01 mg / kg vào năm 2019. Riêng với gạo hữu cơ phải đảm bảo không được sử dụng bất kỳ hóa chất nào. 

Đối với truy xuất nguồn gốc, đây là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các mặt hàng thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Các nhà sản xuất và xuất khẩu phải đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong tất cả các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối. 

Xu hướng hiện nay là sử dụng công nghệ thông tin và các thiết bị điện tử hỗ trợ truy xuất nguồn gốc. Ví dụ, Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại (TPSO) ở Thái Lan thông báo rằng họ sẽ sử dụng công nghệ blockchain để đảm bảo truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm nông nghiệp, bắt đầu từ gạo hữu cơ.

Bảng 1: Mức tối đa cho phép của cadmium và asen vô cơ trong các sản phẩm gạo

Chất Gây Ô NhiễmThực PhẩmMức tối đa (mg/kg)
Cadmium Cám, mầm, lúa mì và gạo0.2
Arsenic (Vô Cơ)Gạo xay xát chưa đồ (được đánh bóng hoặc gạo trắng)0.2
Gạo đồ và gạo lứt 0.25
Bánh gạo, bánh tráng0.3
Gạo dành cho sản xuất thực phẩm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ0.1

Nguồn: Quy định (EC) 1881/2006 quy định mức tối đa đối với một số chất gây ô nhiễm trong thực phẩm và Quy định sửa đổi (EU) 2015/1006 quy định mức tối đa của asen vô cơ trong thực phẩm

1.2. Các tiêu chuẩn khác

Chứng nhận chất lượng sản phẩm

Hầu hết các nhà nhập khẩu gạo tại châu Âu đều sẽ yêu cầu thêm một số chứng nhận an toàn thực phẩm bên cạnh các tiêu chuẩn bắt buộc. 

Trong đó, hệ thống quản lý thực phẩm và các chứng nhận được công nhận bởi Sáng kiến ​​An toàn Thực phẩm Toàn cầu (GFSI) được chấp nhận rộng rãi trên toàn Châu Âu. Do đó, đối với các nhà xay xát hoặc chế biến gạo (xát vỏ, phân loại và đóng gói) trước khi muốn đặt chân vào thị trường châu Âu cần đáp ứng được các tiêu chí trong hệ thống quản lý an toàn thực phẩm có giá trị được công nhận toàn cầu.

Đối với các nhà sản xuất hoặc xuất khẩu gạo, tùy thuộc vào vai trò của doanh nghiệp  trong chuỗi cung ứng (sản xuất, phân phối hoặc chế biến), mà có thể quan tâm nhiều hơn đến  một trong các chứng nhận an toàn thực phẩm phổ biến như:

  • GLOBALG.AP (sản xuất nông nghiệp);
  • Chứng nhận Hệ thống An toàn Thực phẩm 22000 (FSSC 22000 / ISO 22000);
  • BRCGS về An toàn Thực phẩm (British Retail Consortium);

GLOBALG.AP (sản xuất nông nghiệp

ISO 22000

BRCGS về An toàn Thực phẩm (British Retail Consortium)

Chứng chỉ hữu cơ

Một số nhà nhập khẩu chuyên về các sản phẩm ngũ cốc , gạo,.. và thực phẩm hữu cơ nói chung, thường yêu cầu chứng nhận hữu cơ để khẳng định vị thế cạnh tranh cũng như đáp ứng nhu cầu cho các sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng mạnh trên thị trường châu Âu.

Để mang các sản phẩm hữu cơ đến thị trường Châu Âu, doanh nghiệp cần sử dụng các phương pháp sản xuất hữu cơ được quy định cụ thể theo luật Liên minh Châu Âu và yêu cầu được cấp chứng nhận hữu cơ từ đơn vị có uy tín được công nhận. 

Chứng chỉ organic Châu Âu

Trách nhiệm xã hội (CSR)

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) và tính bền vững là các yếu tố ngày càng trở nên quan trọng trong ngành gạo. Thông thường, bên mua sẽ yêu cầu nhà xuất khẩu hoàn thành các chứng từ và tờ khai trước khi hợp tác hoặc yêu cầu nhà bán tuân thủ các tiêu chuẩn phục vụ mục tiêu phát triển bền vững tại nước nhập khẩu.

Một số công ty gạo hàng đầu tại châu Âu hiện đang áp dụng tiêu chuẩn SRP (Sản xuất lúa gạo bền vững) và Qui chuẩn canh tác lúa gạo bền vững. Các thành viên ứng dụng bộ tiêu chuẩn này bao gồm Olam International, Ebro Foods (Tây Ban Nha), Van Sillevoldt Rijst BV (Hà Lan), Veetee (Anh), Riso Gallo (Ý), Reismuehle Brunnen (Thụy Sĩ), Mars Food (Anh), chuỗi siêu thị Lidl và Ahold Delhaize. 

Bên cạnh Tiêu chuẩn SRP về sản xuất lúa gạo bền vững, một số các tiêu chuẩn và chứng nhận khác giúp doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội (CSR) bao gồm:

  • Sáng kiến ​​Tuân thủ Trách nhiệm xã hội trong kinh doanh (amfori BSCI)
  • Sáng kiến ​​Thương mại có Đạo đức (ETI);
  • Đánh giá thương mại đạo đức thành viên Sedex (SMETA)
  • GlobalG.AP và GlobalG.AP Grasp

Sáng Kiến Thương Mại Đạo Đức (ETI)

2. Châu Âu  – miền đất hứa cho gạo xuất khẩu?

Với 27 nước thành viên, dân số hơn 500 triệu người, bên cạnh một thị trường tiêu thụ lớn, EU có gì để thu hút nguồn gạo xuất khẩu từ khắp nơi nên thế giới?

Nhập khẩu gạo tăng mạnh

Với ngành gạo, Châu Âu cung không theo kịp cầu. Sản xuất nội khối chỉ đáp ứng gần 60% nhu cầu tiêu thụ của người dân toàn khu vực, “dành đường” cho khoảng 1,8 triệu tấn gạo nhập khẩu từ các nước ngoại khối.

Theo báo cáo “ Triển vọng Nông nghiệp của EU 2020-2030 “, dự kiến ​​nhu cầu gạo nhập khẩu sẽ tăng khoảng 250.000 tấn trong vòng 10 năm tới.

Dư địa lớn cho các nước xuất khẩu

Trung bình mỗi năm, một người châu Âu tiêu thụ 6 kg gạo/ người / năm. Tuy con số này còn khiêm tốn so với mức  bình quân toàn cầu,  các chuyên gia đánh giá các nhà cung ứng có nhiều cơ hội để tiếp tục khám phá và phát triển thị trường gạo EU. 

Ở các nước như Tây Ban Nha và Ý, người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng các loại gạo địa phương. Trong khi đó, ở các nước không sản xuất gạo ở châu Âu, người tiêu dùng không đặc biệt ưa chuộng một loại gạo cụ thể nào và do đó cởi mở hơn với các loại gạo mới và gạo đặc sản.

Tăng cường trao đổi thương mại với các nước đang phát triển.

Các loại gạo thơm và gạo màu đặc sản thường không được sản xuất ở châu Âu và chủ yếu được nhập khẩu từ các nước châu Á. Nhu cầu về các loại gạo tăng trưởng ổn định, cộng thêm các điều kiện thương mại thuận lợi giúp nhiều nhà cung ứng gạo thâm nhập sang thị trường châu Âu

top-quoc-gia-cung-cap-gao-tai-chau-au
Top quốc gia cung cấp gạo trắng (milled rice) cho thị trường Châu Âu

Năm 2020, bất chấp tác động của đại dịch covid 19 , nhập khẩu gạo Châu Âu đạt 3.5 triệu tấn, với 40% từ các nước đang phát triển.  

Cánh cửa châu Âu đang rộng mở cho các doanh nghiệp khám phá cơ hội xuất khẩu nhiều giống gạo với các đặc tính khác nhau về giá trị dinh dưỡng, mùi thơm hoặc màu sắc và thu về lợi nhuận lớn.

Vậy…

3. Đâu là cánh cửa rộng nhất cho gạo đặc sản?

Phần lớn lượng gạo nhập khẩu đến các nước Tây Bắc Châu Âu. Các quốc gia Tây Âu quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, trong khi ở Đông Âu, các quy định này có phần “ thoáng” hơn và người tiêu dùng tập trung vào giá cả.

Ở các quốc gia nằm ở phía Nam châu Âu, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt cuộc đua tranh khốc liệt với các giống gạo địa phương. Bởi vậy, thị trường gạo nhập khẩu ở phía Tây Bắc Châu Âu sẽ rộng mở nhiều cơ hội hơn nếu doanh nghiệp có thể khẳng định lợi thế cạnh tranh trên thị trường với các giống mới hoặc gạo đặc sản.

  • Vương quốc Anh, Pháp và Đức  là những nước nhập khẩu gạo lớn nhất.
  • Hà Lan là cửa ngõ quan trọng để nhập khẩu  gạo vào châu Âu 
  • Bỉ và Ý có thị phần quan trọng trong nhóm ngành xay xát
  • Đức và Pháp có thị trường gạo hữu cơ phát triển nhất.

 Doanh số bán lẻ thực phẩm hữu cơ [Triệu €]Tiêu thụ thực phẩm  hữu cơ bình quân đầu người [€ / người]Tăng trưởng doanh số bán lẻ thực phẩm hữu cơ (1 năm) [%]Thị phần bán lẻ thực phẩm hữu cơ [%]Diện tích trồng lúa hữu cơ [ha]Tỷ lệ diện tích trồng lúa hữu cơ [%]
Pháp11.29517313%6%2.90419%
Đức11.9701449%5%
Ý3.625594%3%19.9889%
Vương quốc Anh2.678394%1%
Hà Lan1.211714%4%
Bỉ7796811%3%

Bảng 2: Doanh số bán lẻ và tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ và diện tích sản xuất lúa gạo hữu cơ, năm 2019

4. Kết luận

Trên đây là những thông tin chung nhất về thị trường và tiêu chuẩn xuất khẩu gạo sang EU mà các doanh nghiệp cần nắm rõ để chính phục thị trường tiềm năng này. Ứng với từng quốc gia thành viên, nhà nhập khẩu sẽ đưa ra thêm một số yêu cầu khác về chất lượng, thương hiệu, đóng gói, … để phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của khách hàng.  

Thấu hiểu từ thực tế không ít doanh nghiệp Việt loay hoay và bỏ lỡ nhiều cơ hội mở rộng cũng như khẳng định vị thế trên trường quốc tế, Công ty VIEC tư vấn xuất nhập khẩu Việt Nam – Hà Lan với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là lựa chọn tin cậy để giúp doanh nghiệp giải quyết mọi khó khăn trong quá trình tìm hiểu thị trường và các tiêu chuẩn cần có.

Với mạng lưới đối tác uy tín tại Châu Âu, chúng tôi có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận các nhà nhập khẩu hàng đầu tại EU một cách trực tiếp, cắt giảm mọi khâu trung gian không cần thiết và giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí,  đồng thời thu được lợi nhuận tốt hơn.

Hãy liên hệ VIEC ngay hôm nay để được tư vấn cách xuất khẩu gạo vào thị trường EU!

related news